Theo giới nghiên cứu, mặc dù sao Thủy là một hành tinh nhỏ và dường như không hoạt động về mặt địa chất, tuy nhiên hành tinh này lại có những mảng bề mặt tối khác thường là graphite (một dạng carbon).
Các nhà khoa học cho rằng đại dương magma nóng giúp hình thành sao Thủy có nhiều khả năng giàu carbon và silicate. Kim loại kết tụ lại bên trong đại dương, tạo thành lõi ở trung tâm trong khi magma kết tinh thành lớp phủ ở giữa và vỏ ngoài của hành tinh.
Một nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng lớp phủ của sao Thủy có thể sâu hơn 50 km, qua đó làm tăng nhiệt độ và áp suất ở ranh giới giữa lớp lõi và lớp phủ, tạo điều kiện để carbon kết thành kim cương. Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra hỗn hợp sắt, silica và carbon - hỗn hợp mô phỏng quá trình đại dương magma hình thành lõi sao Thủy - và làm ngập hỗn hợp bằng sắt sulfide. Họ đoán đại dương magma chứa nhiều lưu huỳnh do bề mặt sao Thủy cũng giàu lưu huỳnh.
Sử dụng máy ép nhiều lớp, nhóm nghiên cứu đặt hỗn hợp mô phỏng trong nhiệt độ lên tới 1.970 độ C, dưới áp suất gấp khoảng 70.000 lần áp suất của khí quyển Trái đất ở mực nước biển. Kết quả cho thấy khi hỗn hợp được thêm lưu huỳnh vào ở nhiệt độ cao thì sẽ cứng lại và tạo ra kim cương. Kim cương kết tinh trong lõi sao Thủy khả năng cao có độ dày gần 15 km.