Kim cương tồn tại khắp thị trấn Đức Nördlingen bởi các bức tường ở gần như mọi tòa nhà tại đây chứa khoảng 72.000 tấn đá quý này.
Thị trấn Nördlingen nhìn từ trên cao. Ảnh: Nördlingen
Dù thị trấn hình tròn gần như hoàn hảo trông như lấp kín một miệng hố hoàn chỉnh, thực chất Nördlingen nằm bên trong miệng hố Nördlinger Ries rộng 26 km và hình tròn của thị trấn chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, theo Mail. Người dân trong thị trấn không biết đến sự tồn tại của số kim cương khổng lồ cho tới thập niên 1960, khi hai nhà địa chất người Mỹ là Eugene Shoemaker và Edward Chao tới khảo sát.
Cư dân địa phương cho rằng miệng hố Nördlinger Ries là kết quả của vụ phun trào núi lửa. Nhưng Shoemaker và Chao nghi ngờ miệng hố tạo bởi một tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất. Ngay khi ghé thăm và nhận thấy các bức tường của nhà thờ rải rác những cụm kim cương nhỏ li ti, họ biết giả thuyết đó đúng. Kim cương hình thành khi tiểu hành tinh đâm xuống Trái Đất cách đây 15 triệu năm và có thể quan sát bằng mắt thường.
Di chuyển ở tốc độ 25 km/giây, tiểu hành tinh rộng một kilomet va vào Trái Đất với lực mạnh đến mức tạo ra miệng hố Nördlinger Ries. Bọt carbon bên trong đá biến thành kim cương cực nhỏ dưới áp suất và nhiệt độ của vụ nổ.
"Tại một số nơi trên thế giới, loại vật liệu ra đời từ vụ va chạm tiểu hành tinh kiểu này được sử dụng cho xây dựng, nhưng không ở đâu có số lượng lớn như Nördlingen. Tại đây, đá chứa kim cương được dùng để xây toàn bộ thị trấn", tiến sĩ Stefan Hölzl, nhà địa chất học kiêm giám đốc bảo tàng Nördlingen RiesKrater, chia sẻ.
Chỉ riêng nhà thờ Thánh Georgie ở Nördlingen đã chứa tổng lượng kim cương tương đương 5.000 carat. Theo Hölzl, các phi hành gia NASA từ nhiệm vụ Apollo 14 và Apollo 16 thậm chí từng đến Nördlingen trước khi thám hiểm Mặt Trăng để tìm hiểu về loại đá họ có thể tìm thấy trong vũ trụ. Tuy nhiên, dù kim cương giúp thị trấn lấp lánh dưới ánh Mặt Trời, chúng không có giá trị kinh tế.
(Theo Mail)