Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Triều Tiên chuyển sang phát sóng bằng vệ tinh Nga

Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã chuyển việc truyền các chương trình truyền hình nhà nước từ vệ tinh Trung Quốc sang vệ tinh Nga.



Người dân Triều Tiên theo dõi chương trình phát sóng tin tức ở Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Động thái này diễn ra khi Nga và Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau hơn, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Bình Nhưỡng vào tháng trước và ký một thỏa thuận "đột phá", bao gồm cam kết hỗ trợ quân sự cho nhau nếu bị tấn công.

"Triều Tiên đã ngừng sử dụng vệ tinh trước đây của Trung Quốc và hiện đang phát sóng qua vệ tinh của Nga", Hãng tin AFP dẫn thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết ngày 2-7.

Trong khi đó, Hãng tin Yonhap dẫn thông tin từ LyngSat, nhà cung cấp dữ liệu về đài và truyền hình vệ tinh toàn cầu, cho biết kể từ ngày 20-6, đài truyền hình trung ương Triều Tiên đã truyền các chương trình phát sóng bằng vệ tinh Express 103 của Nga.

Trước đó, Triều Tiên sử dụng vệ tinh liên lạc ChinaSat 12 của Trung Quốc, vốn dự kiến có thể hoạt động đến năm 2027.

Việc này đã dẫn đến việc hạn chế thu sóng vệ tinh ở một số khu vực của Hàn Quốc. Dù người dân Hàn Quốc bị cấm truy cập vào các phương tiện truyền thông của Triều Tiên, các quan chức Seoul vẫn theo dõi các chương trình phát sóng, thông báo quan trọng của Bình Nhưỡng phát qua vệ tinh.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2-2022.

Mỹ và các đồng minh cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn dược và tên lửa cho Nga sử dụng ở Ukraine, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ nhận lại sự hỗ trợ kỹ thuật từ Matxcơva. Bình Nhưỡng và Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Bình Nhưỡng, Nga và Triều Tiên ngày 19-6 đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có điều khoản về phòng thủ chung.

Các chuyên gia cho rằng việc chuyển sang sử dụng vệ tinh của Nga có thể là một thử nghiệm, khi Triều Tiên đang tìm cách tăng cường năng lực không gian trong nước.

Đây có thể là "một bước tiến tới phát triển vệ tinh thương mại với sự trợ giúp của công nghệ Nga trong tương lai", ông Yang Moo Jin, hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói với AFP.

Ngoài ra, nó cũng cho thấy Bình Nhưỡng đang ưu tiên quan hệ với Matxcơva hơn nước láng giềng Trung Quốc. "Trung Quốc có thể bắt đầu gia tăng áp lực ngoại giao đối với Triều Tiên trong tương lai", chuyên gia Ahn Chan Il nhận định.

(Nguồn TTO)