Phát hiện 25 tấn nước phóng xạ rò rỉ ở Fukushima

Nhật Bản- Robot thăm dò phát hiện nước phóng xạ rò rỉ thông qua hệ thống cống của nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhưng không ngấm ra môi trường bên ngoài.


Nhà máy Fukushima nhìn từ trên cao. Ảnh: Interesting Engineering

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thông báo phát hiện rò rỉ khoảng 25 tấn nước phóng xạ từ lò phản ứng số 2. Tuy nhiên, công ty nhấn mạnh số nước này không giải phóng ra môi trường mà chảy vào tầng hầm, Interesting Engineering hôm 14/8 đưa tin.

Trước đó, mực nước giảm bất thường được phát hiện ở một trong các bình kiểm soát nước ở bể làm mát nhiên liệu hạt nhân. Nhà chức trách đưa một robot vào tòa nhà. Kết quả thăm dò cho thấy nước rò rỉ từ bể chảy vào tầng hầm. Việc kiểm tra xác nhận nước rò rỉ qua hệ thống cống và không chảy ra bên ngoài, theo TEPCO. Công ty hiện nay đã ngưng bơm nước vào bể làm mát. Họ cho biết sự cố không khiến nhiên liệu nóng lên trên ngưỡng 65 độ C. TEPCO sẽ sử dụng một robot để kiểm tra chi tiết hơn lò phản ứng số 2.

Đầu tháng 2/2024, TEPCO phát hiện một vụ rò rỉ nước phóng xạ ở nhà máy Fukushima Daiichi. Lượng nước rò rỉ khoảng 5,5 tấn và khu vực gặp sự cố rộng 4 x 4 m. Công ty bắt đầu xả nước từ nhà máy ra biển vào tháng 8/2023. Hôm 9/8/2024, TEPCO thông báo thiết bị liên quan tới bể nhiên liệu đã sử dụng của lò phản ứng số 2 gặp trục trặc. Nhằm đề phòng, hệ thống làm mát cho bể nhiên liệu đã sử dụng bị dừng hoạt động sau đó trong khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến trục trặc.

Ngày 11/3/2011, nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (FDNPS) bị thiệt hại nghiêm trọng sau trận động đất mạnh 9 độ ở phía đông Nhật Bản kèm theo sóng thần. Tác động kép của động đất và sóng thần gây ra nhiều tổn thất ở khu vực đông bắc. Tai nạn ở nhà máy Fukushima Daiichi được phân loại ở cấp 7 tức sự cố lớn trên Thang sự kiện hạt nhân và phóng xạ quốc tế. Đây là sự cố hạt nhân dân sự lớn nhất từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Vật liệu phóng xạ giải phóng từ nhà máy khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán.

(Theo Interesting Engieering)