Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Tìm ra 'gốc gác' của 200 thiên thạch rơi xuống Trái đất

Các nhà thiên văn học đã lần theo dấu vết của 200 thiên thạch từng rơi xuống Trái đất và phát hiện chúng có nguồn gốc từ 5 hố va chạm trên sao Hỏa.


Hình minh họa các thiên thạch văng ra từ sao Hỏa - Ảnh: Getty Images

Khi các vụ va chạm lớn xảy ra trên bề mặt sao Hỏa, các mảnh vỡ (thiên thạch) văng vào không gian và một số trong chúng bay đến Trái đất. Có ít nhất 10 sự kiện hình thành thiên thạch kiểu này trong lịch sử gần đây của hành tinh Đỏ, theo trang LiveScience ngày 28-8.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Alberta (Canada) hiện đã lần ra nguồn gốc của 200 thiên thạch được hình thành theo kiểu nói trên. Chúng xuất phát từ 5 hố va chạm ở 2 vùng núi lửa trên sao Hỏa là Tharsis và Elysium.

"Hiện tại chúng ta có thể nhóm các thiên thạch này lại với nhau dựa vào lịch sử chung của chúng và vị trí của chúng trên bề mặt (sao Hỏa) trước khi đến Trái đất" - ông Chris Herd, giáo sư khoa học tại Đại học Alberta, cho biết.

Thiên thạch thường xuyên rơi xuống Trái đất. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính khoảng 48,5 tấn vật liệu thiên thạch rơi xuống hành tinh của chúng ta mỗi ngày, phần lớn chúng ở dạng bụi.


Thiên thạch đến từ sao Hỏa, gọi là Amgala 001, được phát hiện ở Tây Sahara năm 2022 - Ảnh: Steve Jurvetson

Việc xác định nguồn gốc của chúng thường rất khó khăn, song vào những năm 1980, các nhà khoa học bắt đầu nghi ngờ một nhóm thiên thạch dường như có nguồn gốc từ núi lửa với tuổi đời 1,3 tỉ năm. Điều này có nghĩa là những "tảng đá vũ trụ" này đến từ nơi có hoạt động núi lửa gần đây và sao Hỏa là "ứng viên" tiềm năng.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc các thiên thạch đến từ kỹ thuật so sánh quang phổ - kỹ thuật dùng để xác định và so sánh thành phần của vật liệu bằng cách phân tích các kiểu ánh sáng chúng hấp thu hay phát ra. Phương pháp này bị hạn chế bởi các yếu tố như địa hình khác nhau và lớp bụi dày, có thể làm lệch tín hiệu quang phổ.

Do đó, nhóm nghiên cứu đã kết hợp các mô phỏng có độ phân giải cao về các vụ va chạm vào một hành tinh giống sao Hỏa. Việc mô phỏng giúp họ xác định được kích thước của hố va chạm có thể đã phóng ra các thiên thạch hoặc thậm chí là kích thước của một thiên thạch cụ thể.

Sau đó, nhóm so sánh dữ liệu thu được với các hố va chạm tiềm năng trên sao Hỏa và khoanh vùng đối tượng dựa trên các đặc điểm cụ thể của thiên thạch. "Chúng tôi thậm chí có thể tái tạo lại địa tầng núi lửa, vị trí của tất cả những tảng đá này trước khi chúng bị thổi bay khỏi bề mặt", ông Herd nói.

Điều này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về thời điểm các sự kiện núi lửa trên sao Hỏa xảy ra, các nguồn magma khác nhau của sao Hỏa và tốc độ hình thành các hố va chạm trong suốt thời kỳ địa chất Amazon, diễn ra cách đây khoảng 3 tỉ năm, trên sao Hỏa.