Amazon vừa ra quyết định yêu cầu toàn bộ nhân viên đến văn phòng làm việc 5 ngày một tuần, trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ chế độ làm việc từ xa và quay lại nề nếp làm toàn thời gian tại văn phòng.
Sảnh lễ tân của văn phòng Amazon tại New York - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Quy định trên được công bố trong thông báo nội bộ được Giám đốc điều hành (CEO) Andy Jassy gửi đến toàn thể nhân viên hôm 16-9 và sẽ có hiệu lực từ ngày 2-1-2025. Nó nhanh chóng làm dấy lên làn sóng tranh cãi, với một bên đề cao việc gặp gỡ trực tiếp để tăng năng suất lao động và một bên ưu tiên sự linh hoạt và cân bằng giữa công việc và đời sống.
Xu hướng của doanh nghiệp
Hiện nay nhân viên Amazon đi làm với chế độ hỗn hợp gồm ba ngày làm việc tại công ty và hai ngày làm việc ở nhà mỗi tuần. Chế độ này được áp dụng từ đầu năm 2023, thay cho chế độ làm việc từ xa trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Ông Jassy chia sẻ về quyết định mới: "Nhìn lại 5 năm qua, chúng ta có thể tin tưởng các lợi ích từ việc làm việc cùng nhau là rất lớn. Chúng tôi nhận thấy điều đó giúp các cộng sự có thể dễ dàng học hỏi, làm gương, thực hành và củng cố văn hóa công ty. Việc hợp tác, lên ý tưởng, sáng chế cũng đơn giản và hiệu quả hơn. Chuyện học tập lẫn nhau diễn ra nhịp nhàng, trong khi khả năng kết nối giữa các nhóm với nhau được tăng cường".
Báo New York Times dẫn nguồn tin nội bộ Amazon khẳng định việc điểm danh nhân sự sẽ được thực hiện bằng cách quẹt thẻ nhân viên. Toàn bộ nhân viên phải đến văn phòng ngay cả khi hầu hết thành viên trong nhóm làm việc tại các văn phòng khác. Amazon sẽ đầu tư xây thêm phòng họp và khoảng 3.500 buồng điện thoại để phục vụ nhu cầu làm việc của nhân viên.
Với quyết định trên, Amazon trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tiên từ bỏ hoàn toàn hình thức làm việc từ xa hoặc làm việc hỗn hợp. Các "ông lớn" công nghệ khác như Google, Meta… hiện vẫn duy trì quy định làm việc ở cơ quan chỉ ba ngày một tuần và chưa có dấu hiệu thay đổi.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, làn sóng quay lại cơ quan làm việc đã âm thầm lan rộng trong hầu hết các ngành nghề tại Mỹ khoảng hai năm qua. Hồi giữa tháng 12-2023, mảng kinh doanh máy bay thương mại của Boeing ban hành quy định đến cơ quan năm ngày một tuần, bắt đầu từ sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Đến tháng 2-2024, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đa quốc gia UPS cũng yêu cầu nhân viên đến văn phòng suốt tuần.
Ngay cả Zoom - ứng dụng họp trực tuyến và là biểu tượng của làm việc từ xa trong đại dịch COVID-19 - cũng đã yêu cầu nhân viên đến công ty.
Một số doanh nghiệp nổi tiếng khác từ bỏ cách làm việc từ xa bao gồm "gã khổng lồ" ngành giải trí Disney, tập đoàn tài chính hàng đầu Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư hàng đầu Bank of America… Trong các thông báo yêu cầu đi làm lại, hầu hết các công ty đều đưa ra những luận điểm tương tự thông báo mới đây của ông Jassy.
Chấm dứt làm việc từ xa: Nhân viên oán thán
Tuy được lòng các lãnh đạo doanh nghiệp, quy định vào cơ quan làm việc toàn thời gian lại bị phần lớn nhân viên chỉ trích. Sau gần bốn năm làm việc từ xa, nhiều người đã xây dựng đời sống cá nhân dựa trên hình thức làm việc này. Do đó việc phải vào cơ quan làm việc chắc chắn sẽ gây ra không ít xáo trộn cho đời sống của họ.
Ngay sau khi thông báo của ông Jassy được phát đi, các kênh thông tin của Amazon đã ngập tràn phản ứng trái chiều.
Chị Tamia Reed, kỹ sư trung tâm dữ liệu tại bộ phận điện toán đám mây Amazon Web Services, chia sẻ trên mạng xã hội: "Với nhiều người trong chúng ta, làm việc từ xa không chỉ là sự tiện nghi mà còn là điều kiện cần thiết hướng đến đời sống công việc linh hoạt và cân bằng hơn.
Sự thay đổi đột ngột này đi ngược với nỗ lực của chúng ta trong việc tôn trọng những phong cách làm việc đa dạng và đáp ứng các nhu cầu cá nhân khác nhau. Tôi hy vọng Amazon sẽ cân nhắc lại và tìm ra cách hỗ trợ cả nhu cầu kinh doanh lẫn sở thích làm việc đa dạng của nhân viên".
Giáo sư Prithwiraj Choudhury tại Trường kinh doanh Harvard (ĐH Harvard) khẳng định những quyết định như của Amazon chắc chắn sẽ để lại hậu quả. Ông chỉ ra khi một công ty từ bỏ chính sách làm việc linh hoạt, họ thường mất những nhân tài hàng đầu hoặc bỏ lỡ những nhân viên hoặc ứng viên giàu tiềm năng. Ông Choudhury nhận xét: "Đây là bước lùi về quá khứ, là sự lãnh đạo thụt lùi".
Thậm chí, một số nhà phân tích còn nhận định thực chất Amazon và các công ty khác đang muốn cắt giảm nhân sự. Họ hiểu rõ rủi ro mất người nếu ép nhân viên vào văn phòng cả tuần, song vẫn sẽ theo đuổi chính sách trên nhằm ngấm ngầm ép người lao động chủ động nghỉ việc.
(Nguồn: báo Tuổi trẻ)