Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Nhật Bản tài trợ cho phụ nữ về quê lấy chồng

Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính lên tới 7.000 USD cho phụ nữ độc thân nếu họ chuyển từ Tokyo về vùng nông thôn để kết hôn, bắt đầu từ năm tài chính 2025.



Các bạn trẻ Nhật Bản tham dự sự kiện mai mối do chính quyền Tokyo tổ chức vào tháng 3-2024 - Ảnh: Reuters

Việc ứng phó với tình trạng dân số giảm ở các vùng nông thôn của Nhật sẽ ngày càng nan giải khi số phụ nữ trẻ ở đây liên tục giảm dần. Do đó Chính phủ nước này xác định chính sách hỗ trợ phụ nữ độc thân muốn chuyển đến nông thôn là vô cùng cần thiết.

Khuyến khích về nông thôn

Theo báo Japan Times, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ chuyển đến học tập, sinh sống và làm việc tại Tokyo.

Một khi đã đến thủ đô, những người này thường cũng sẽ không trở lại quê hương nữa. Xu hướng này dẫn đến tình trạng số phụ nữ độc thân ở các vùng nông thôn Nhật Bản giảm đi và ít hơn đáng kể so với số nam giới.

Theo điều tra dân số quốc gia năm 2020, số nữ giới độc thân trong độ tuổi từ 15 - 49 ở 46/47 tỉnh thành của Nhật (ngoại trừ Tokyo) là khoảng 9,1 triệu người. Con số này ít hơn khoảng 20% so với 11,1 triệu nam giới độc thân cùng độ tuổi. Khoảng cách này thậm chí lên đến 30% ở một số tỉnh thành.

Nhằm giải quyết tình trạng số phụ nữ trẻ ở nông thôn sụt giảm trong khi tại Tokyo lại ngày càng đông đúc, Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu hỗ trợ tài chính cho những phụ nữ độc thân chuyển từ thủ đô về các vùng nông thôn để tìm kiếm bạn đời.

Theo nguồn tin của Japan Times, Tokyo dự định phân bổ kinh phí cần thiết cho sáng kiến trong ngân sách của năm tài chính bắt đầu từ tháng 4-2025. Theo đó, Chính phủ Nhật sẽ mở rộng chương trình trợ cấp hiện có cho các địa phương, hỗ trợ lên tới 1 triệu yen (7.000 USD) cho những người chuyển từ 23 quận của Tokyo đến các khu vực khác.

Trong khuôn khổ sáng kiến, Chính phủ Nhật sẽ thanh toán chi phí cho phụ nữ đi từ Tokyo đến các khu vực nông thôn để tham dự các sự kiện mai mối và sẽ cho thêm tiền nếu họ quyết định chuyển đến những khu vực đó sinh sống. Số tiền hỗ trợ cụ thể sẽ được xem xét và quyết định trong quá trình lập ngân sách.

Những chính sách thành công

Nhật Bản đã triển khai nhiều sáng kiến khác nhau để đối phó với tình trạng dân số giảm cùng những tác động của nó đến lực lượng lao động và nền kinh tế. Trong đó có những ưu đãi tài chính để khuyến khích các cặp đôi sinh con, hay nỗ lực mở rộng các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Thậm chí Tokyo còn tung ra một ứng dụng hẹn hò sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp kết đôi cho những người độc thân.

Thành phố Nagareyama và Akashi là những điểm sáng trong việc thực hiện các chính sách khuyến sinh của Nhật Bản. Tại Nagareyama, tình trạng thiếu nhà trẻ đã buộc nhiều phụ huynh phải gửi con đi học xa. Do đó thành phố đã triển khai dịch vụ xe buýt đưa đón trẻ tại nhà ga, giúp cha mẹ tiết kiệm thời gian và có thể chuyên tâm làm việc.

Cùng với đó, thành phố đã nỗ lực tăng số lượng nhà trẻ từ 17 lên đến hơn 100 cơ sở trong hơn 15 năm qua. Nagareyama còn sở hữu nhiều lợi thế để thu hút các gia đình đến sinh sống. Từ thành phố này đi Tokyo chỉ mất khoảng 30 phút với tuyến tàu tốc hành Tsukuba Express, và dự kiến sẽ có thêm nhiều tuyến được mở rộng trong tương lai.

Trao đổi với Hãng tin Bloomberg, Thị trưởng Yoshiharu Izaki cho biết ông đã nỗ lực cải thiện chất lượng sống ở Nagareyama thông qua việc trồng thêm nhiều cây xanh, quảng bá thành phố như một nơi sống lý tưởng, vừa gần gũi thiên nhiên vừa gần với Tokyo.

Tại Nagareyama, vào năm 2022, tỉ suất sinh của thành phố là 1,50 - cao hơn so với mức trung bình toàn quốc là 1,26.

Trong khi đó, thành phố Akashi đã triển khai các chính sách miễn phí như cung cấp thực phẩm và tã cho trẻ em, dịch vụ chăm sóc y tế đến năm 18 tuổi và bữa trưa tại trường học cho đến 15 tuổi. Những nỗ lực này dường như đã được "đền đáp" khi dân số tại Akashi đã tăng trong 10 năm liên tiếp, lên đến 300.000 người.

Chính sách hấp dẫn đã biến Akashi thành nơi an cư lý tưởng cho nhiều cặp vợ chồng trẻ. Trong bối cảnh các trường học phải đóng cửa trên khắp nước Nhật vì thiếu học sinh thì theo tờ Economist, thành phố Akashi thậm chí còn thiếu chỗ học.