Ban tổ chức Hoa hậu Hà Lan thông báo phế bỏ cuộc thi vì không còn phù hợp thời đại.
Theo France24, bà Monica van Ee - giám đốc công ty nắm bản quyền sự kiện - công bố quyết định tuần trước với lý do "thời đại đã thay đổi và chúng ta cần đổi mới theo".
Bà cho biết đây không phải dấu chấm hết mà mở bước ngoặt mới, ban tổ chức thành lập một nền tảng khác tập trung vào sức khỏe tâm thần, truyền thông xã hội, năng lực thể hiện bản thân của phụ nữ. Theo đó, các thành viên có thể chia sẻ câu chuyện thành công cũng như áp lực đang đối diện.
Amber Rustenberg đăng quang Hoa hậu Hà Lan 2024 tại chung kết hồi tháng 6. Ảnh: Miss Nederland
"Không còn vương miện mà là những câu chuyện truyền cảm hứng. Không còn váy áo lộng lẫy mà là những ước mơ trở thành hiện thực", Monica van Ee nói. Nền tảng mới nhằm tôn vinh "giá trị đích thực và sự đa dạng của phụ nữ", thay vì tập trung vào vẻ đẹp hình thể.
Theo Monica van Ee, khán giả ngày càng phản ứng khó kiểm soát về cuộc thi Hoa hậu Hà Lan. Họ thường phàn nàn "cô này da trắng quá, cô kia trông đen quá", gây ra năng lượng tiêu cực.
Năm ngoái, Rikkie Valerie Kollé trở thành người chuyển giới đầu tiên đoạt ngôi hoa hậu. Kết quả dấy lên nhiều tranh cãi, thậm chí Rikkie Valerie Kollé nhận các bình luận đe dọa.
Hoa hậu Hà Lan (Miss Nederland) diễn ra thường niên kể từ năm 1989, nhưng lần đầu tổ chức tính từ thập niên 1930. Hoa hậu cuối cùng trong lịch sử cuộc thi là Amber Rustenberg, đăng quang hồi tháng 6. Cô cho rằng những tranh cãi xung quanh "ai thắng cuộc" không phải là yếu tố quyết định khiến sự kiện bị phế bỏ, mấu chốt nằm ở việc cần có sự thay đổi để tạo lợi ích lớn hơn.
Amber Rustenberg tham gia quảng bá diễn đàn mới mà bà Monica van Ee xây dựng, nhằm giúp đỡ và khích lệ phụ nữ trẻ thể hiện bản thân. Cô nói: "Trước đây, hàng năm ban tổ chức trao cho một cô gái một chiếc vương miện, sau đó vương miện được đặt vào tủ. Vì sao chúng ta lại hạn chế vương miện cho một cô gái mà không để nhiều người cùng đến đây?".
Những năm gần đây, nhiều cuộc thi hoa hậu trên thế giới gặp khó khăn trong cách thức tổ chức hoặc đối diện sự tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn. Lượng thí sinh và khán giả các cuộc thi lâu đời như Miss Universe, Miss America (Mỹ), Miss Hong Kong giảm qua mỗi năm.
Ở Mỹ và châu Âu, cuộc thi nhan sắc từ lớn đến nhỏ đều giảm sức hút. Theo Forbes, Miss America (tổ chức lần đầu năm 1921) từng được coi là chương trình "không thể không xem". Năm 1954, lượng người theo dõi chung kết khoảng 27 triệu người - dù bấy giờ không phải gia đình nào cũng có tivi. Đến 2017, lượng khán giả của chương trình chỉ còn 5,6 triệu.
Làn sóng nữ quyền tăng cao, phong trào #MeToo phát triển khiến nhận thức của công chúng về các cuộc thi hoa hậu thay đổi. Nhiều người cho rằng các sân chơi lỗi thời, đi theo những khuôn mẫu sắc đẹp do nhà kinh doanh đặt ra. Thay vì miêu tả phụ nữ độc lập, giỏi giang, sáng tạo, đa số nhà tổ chức chỉ tập trung quảng bá yếu tố ngoại hình. Giới chuyên gia nhận định, các cuộc thi sắc đẹp dựng cái nhìn tiêu cực về nữ giới và việc làm cho công chúng quen với niềm vui được ngắm nhìn cơ thể phụ nữ gián tiếp củng cố hệ tư tưởng nam quyền.
Trước đây, cơ hội cho phụ nữ không nhiều, họ dựa vào nhan sắc để tạo sự chú ý, thay đổi vận mệnh. Các thí sinh hoa hậu ngày nay đa phần có học thức, trình độ chuyên môn. Họ ngày càng có nhiều lựa chọn và cơ hội thay đổi cuộc sống. Ở Hong Kong, ngoài thi hoa hậu, hiện phụ nữ có nhiều sân khấu để thể hiện bản thân. Do đó, "đặt trong dòng chảy lịch sử, việc Miss Hong Kong không còn được quan tâm là chuyện dễ hiểu", nhà bình luận xã hội Trung Quốc Lương Hồng Đạt nhận xét trên Liaoning TV.